Toyota Việt Nam đang cân nhắc có nên ngừng sản xuất ở Việt Nam và nhập khẩu từ Thái Lan khi thuế nhập khẩu chỉ còn 0%. Vì sao?
Một nhà máy sản xuất ô tô của Toyota (Nhật Bản) tại Thái Lan
Ngày 2/4, tại cuộc họp báo công bố thành tựu năm 2014 và kế hoạch năm 2015 ở Hà Nội, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam thừa nhận cho tới nay, Toyota Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về việc có nên tiếp tục sản xuất tại VN, dù năm 2015 sẽ là thời điểm công ty buộc phải quyết định bởi thông thường để sản xuất một mẫu xe sẽ cần thời gian chuẩn bị là 3 năm. Trong khi theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đến năm 2018, mức thuế này sẽ giảm xuống bằng 0%.
Tuyên bố của tổng giám đốc liên doanh Toyota Việt Nam về việc cân nhắc ngưng lắp ráp ô tô tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu cho thấy nguy cơ sụp đổ ngành công nghiệp ô tô dần trở thành hiện thực.
Vì sao công nghiệp ô tô Việt Nam thua Thái Lan? Để trả lời được câu hỏi này phải nhìn nhận, so sánh và đánh giá nhiều tiêu chí, đặc biệt là nền công nghiệp sản xuất ô tô của hai nước và nhu cầu từ người tiêu dùng.
Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển
Dù đã có hơn 10 năm tuổi nhưng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thật sự thành hình. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, nếu ví ngành công nghiệp ô tô như một quả núi thì các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp là phần ngọn, còn phần quan trọng nhất là chân núi chính là công nghiệp phụ trợ.
Sau hơn 10 năm hoạt động, doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất của ngành ô tô Việt Nam cũng chỉ đạt 10% (Honda Việt Nam), kế tiếp là Toyota Việt Nam (7%). Các công ty ô tô còn lại chỉ đạt 2 - 4%.
Cụ thế, theo ông Yoshihisa Maruta, tỷ lệ sản xuất nội địa của các doanh nghiệp ô tô trong nước rất thấp và các linh kiện được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các loại phụ tùng đơn giản giá trị thấp như săm, lốp, dây điện.
Đơn cử như Toyota Việt Nam dù đến nay đã phân phối và sản xuất khoảng 305.780 xe nhưng mới có 18 nhà cung cấp phụ tùng trong nước với 270 phụ tùng được nội địa hoá.
Theo thống kê, một doanh nghiệp ô tô phải cần tối thiểu 20 nhà cung cấp các loại linh kiện khác nhau. Nhưng cho đến nay chưa doanh nghiệp lắp ráp ô tô nào tại Việt Nam có được 20 nhà cung cấp linh kiện trong nước. Ngay cả những liên doanh ô tô tên tuổi như Toyota, Ford... có hệ thống các nhà cung cấp linh kiện lớn cũng chưa lôi kéo được nhiều doanh nghiệp đầu tưvào Việt Nam.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu. Ngay như Toyota, năm 2005 nhập khẩu linh kiện trị giá 460 triệu USD trong khi giá trị linh kiện sản xuất trong nước chỉ đạt 2,3 triệu USD.
Trái ngược với đó, nhìn vào ngành công nghiệp phụ trợ ở nước láng giềng Thái Lan, mặc dù nước này chưa có tên trong bản đồ công nghiệp ôtô thế giới nhưng cũng đã có đến trên 1.000 doanh nghiệp phụ trợ. Trong khi ở Việt Nam, con số vài chục doanh nghiệp phụ trợ là quá nhỏ bé so với 11 liên doanh và hơn 40 doanh nghiệp trong nước đang sản xuất lắp ráp ô tô hiện nay.
Năm 1961, công nghiệp sản xuất ôtô của Thái chỉ có 1 khu công nghiệp chuyên lắp ráp. Sản lượng lúc đó chỉ là 525 chiếc/năm. Đến nay, Thái Lan đã có 16 nhà sản xuất ô tô, mỗi năm sản xuất khoảng 2 triệu chiếc.
Thực tế, gần một nửa các nhà sản xuất, lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô tô xe máy hàng đầu trên thế giới đều đặt nhà máy tại Thái Lan, có thể kể đến như Ford, General Motors, BMW, Daimler Chrysler, Mitsubishi, Mazda, Toyota, Isuzu, Honda and Nissan.
Theo số liệu của Ủy ban Đầu tư Thái Lan, tính đến năm 2011, trong cơ cấu ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan, số lượng các nhà cung cấp phụ tùng nội địa chiếm số lượng lớn nhất với 1.700 công ty so với 16 công ty nước ngoài.
Có thể nói, công nghiệp ôtô Thái Lan đã phát triển thành công với một nền tảng công nghiệp phụ trợ khá lớn mạnh. Một nhà chế tạo linh phụ kiện ôtô của Nhật hoạt động ở Thái Lan cho rằng họ hài lòng với môi trường kinh doanh cởi mở và được hỗ trợ mà chính phủ Thái Lan tạo ra và không có ý định rời Thái Lan trong tương lai.
Xe sản xuất trong nước đắt hơn xe nhập khẩu
"Hậu quả của việc chậm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sẽ thấy rõ trong vòng 5, 10 năm sau", ông Mitsuo Sabaka, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam từng nhận xét. Theo phân tích này thì do cam kết trong khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), vào năm 2018, hầu như toàn bộ các sản phẩm từ các nước ASEAN sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Như vậy, chỉ 3 năm nữa, theo cam kết gia nhập AFTA, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%. Khi đó, theo tính toán, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan từ 20-30% khiến xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Giá ô tô ở Việt Nam quá cao. (Ảnh minh họa)
Mặt khác,hiện nay, lý do khiến giá xe sản xuất trong nước quá cao làm giảm khả năng cạnh tranh của ô tô lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu chính là việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt quá “kỳ lạ”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kazuhiro Yamana, Tổng giám đốc VSM cho biết, theo tính toán của các nhà sản xuất ô tô, giá ô tô VN cao gấp 2,5 lần so với giá bán xe ở các nước trong khu vực ASEAN. Chiếc Outlander Sport CVT do VSM nhập khẩu từ Nhật (thuế nhập khẩu 70%) khi đến tay người tiêu dùng VN giá là 870 triệu đồng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu nguyên chiếc là giá CIF đã bao gồm cước và phí bảo hiểm, trong khi xe lắp ráp trong nước, thuế tiêu thụ đặc biệt tính căn cứ trên giá bán ra cho đại lý, mức giá này gồm lợi nhuận của doanh nghiệp, cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý và một số chi phí khác như quảng cáo...
“Với cách tính này giá xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc tương đương sẽ chênh lệch nhau ít nhất 5%”, ông Yamana phân tích.
Hàng 'ngoại' nhiều tiện ích hơn
Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, đã có tổng cộng 8.826 xe hơi, trị giá gần 150 triệu USD được nhập khẩu vào Việt Nam từ Thái Lan và Indonesia trong 11 tháng năm 2013, tăng hơn gấp đôi so với cùng kì năm 2012.
Theo Tuổi Trẻ, sau một thời gian tìm hiểu, lái thử các dòng xe du lịch năm chỗ ngồi do các doanh nghiệp trong nước lắp ráp, ông V.T. (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) vừa quyết định mua chiếc Mitsubishi Attrage CVT (năm chỗ ngồi) nhập khẩu từ Thái Lan với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
“Chạy thử mấy chiếc sản xuất trong nước của mấy người bạn, tôi cảm thấy chiếc xe ngoại nhập này thoải mái hơn vì rộng rãi và nhiều tiện ích như: đầu DVD cảm ứng, ghế da, khởi động bằng nút bấm, chìa khóa thông minh, tiết kiệm nhiên liệu... trong khi giá khá mềm” - ông V.T. phân tích.
Xe ngoại nhập gần đây đã kéo được một số lượng lớn người tiêu dùng chọn mua vì cho rằng chất lượng tốt hơn xe sản xuất trong nước. Số lượng xe được các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô VN nhập khẩu từ Thái Lan đưa về VN bán đang ngày càng tăng vì lợi thế về thuế nhập khẩu và nhiều chủng loại.
(theo vnexpress)